Tìm kiếm
Lượt truy cập
- Tổng truy cập49,805,140
Công ty TNHH TM DV Green Leaf Việt Nam
Là Công ty Dịch vụ vận chuyển hành khách hàng đầu Việt Nam! Năm 2019, Green Leaf VN có hơn 500 xe du lịch từ 4 chỗ đến 50 chỗ, đời mới, đạt 150 ngàn lượt xuất bãi. Tỷ lệ đón khách thành công, đúng giờ đạt 99.97%.
*Nhân viên chăm sóc khách hàng người Nhật luôn tạo sự yên tâm và tin tưởng cho khách hàng...
Arita Rivera Đà Nẵng Hotel: Sông Hàn một bên, bãi biển Mỹ Khê một bên! Khung cảnh vô cùng thơ mộng, lãng mạn. Tiện nghi hoàn hảo, hiện đại.
Khung cảnh vô cùng thơ mộng, lãng mạn. Tiện nghi hoàn hảo, hiện đại.
Chủ khách sạn là cặp vợ chồng: Triệu Thế Hiệp - Giám đốc điều hành Công ty Đông Tây Promotion, chuyên sản xuất các chương trình Truyền hình cho VTV & HTV- và Phạm Thành Hiền Thục - Tiến sỹ Đại học Queensland Australia, đang sống & làm việc tại Australia.
Chỉ có thể là ARITA RIVERA: Vẻ đẹp Hoàn hảo!
WELCOME TO ARITA RIVERA
Located near the romantic Han River, with an architectural style heavily inspired by French architecture, Arita Rivera is truly one of the classy boutique hotels in this beautiful coastal city. With unique architecture, using the balcony as a highlight for airy space, all rooms are modern, comfortable, with free Wifi, 24/7 room service and complimentary afternoon tea, etc. to be suitable for visitors to the resort. This is a paradise for couples who want to experience romantic vacations, and a place for all those who enjoy taking photos to experience when coming to Da Nang.
The Arita Bar - Restaurant on the 11th floor is open 24/7. This is where you can enjoy fine Asian and European cuisine from professional chefs, enjoy unique cocktails and view the city from the brightly-colored banks of the Han River.
Visitors can relax at the swimming pool at the top of the building or the Arita Spa on the 2nd floor of the hotel.
Enjoy life, enjoy Arita experience!
Đọc nhiều nhất
- Phạm Hổ - Thơ viết cho nhi đồng
- Người của giang hồ (5): Lâm Chín ngón
- Thuật quan sát người (4)
- Người của giang hồ (11): Hải bánh
- Người của giang hồ (8): Huỳnh Tỳ
- Thuật quan sát người (2)
- Vài nét về tục Cúng Mụ, đầy tháng, thôi nôi
- Vài tư liệu về Tục thờ Thánh Mẫu
- Chùm thơ về Tây Nguyên
- Chuyện Sọ Dừa
Lý luận phê bình văn học
Song tử tràn đầy nghịch lý
Đã từ rất lâu rồi, tôi hài lòng với việc đọc thơ trong màu xám của một nỗi tuyệt vọng - nỗi tuyệt vọng không bao giờ phân tách nổi trắng đen giữa đám sương mù xám đặc dường như chỉ có dấu hiệu đậm dần lên trong những lớp lang chữ nghĩa, trong cách ngắt nhịp, buông vần. Tôi đọc Song tử của Quỳnh cũng trong cùng đám mây tuyệt vọng đó, với tâm thế của một kẻ mộng du lạc bước vào chốn mơ của một kẻ mộng du khác.
Vừa bước vào vườn thơ đã “Vỡ ngực” vì những xúc cảm kì lạ của người thơ, may mắn là trước khi chết ngất trong những dòng thơ úa tàn mệt nhọc, linh hồn tôi được vực dậy bởi những câu từ tha thiết nồng nàn của “Thư viết cho người yêu” trước khi đi loanh quanh mãi không thoát ra khỏi phần kết đậm màu sắc suy tư mang tên “Song Tử và thi ca”. Không rõ có phải là tác giả đã tiên liệu được những gánh nặng xúc cảm mà tập thơ mang tới cho độc giả hay không mà kết cấu tập thơ đầy dụng ý thế kia?
Cũng chính cách kết cấu bất thình lình với những khúc quanh hiểm hóc đó mà tôi xin thú nhận là tôi đọc mãi tập thơ suốt mấy tháng trời nhưng vẫn cảm thấy mình chỉ là một người đi lạc chưa tìm thấy lối ra. Thơ Như Quỳnh de Prelle không phải là thứ thơ êm ái, dễ dãi, đọc trôi tuồn tuột. Trái lại, nó tràn đầy nghịch lí: nghịch lí cảm xúc, nghịch lí ngôn từ, nghịch lí ngắt dòng, nghịch lí cấu trúc. Người đọc hoang mang vấp váp chính mình trong những chuỗi nghịch lí hiển nhiên phô phang ấy mà không khỏi hoài nghi về một sự sắp đặt quá tinh vi của người viết. Cứ vấp lại phải quay lại, đọc cho vỡ từng chữ. Những cú vấp trong vườn thơ âm u của Quỳnh khiến độc giả không thể cứ thế mà khoan thai dạo bước. Mỗi bước đi trong vườn thơ của Quỳnh là một dò dẫm, đòi hỏi suy tư cật lực, tiêu rút xúc cảm đến kiệt cùng. Nhà thơ Charles Simic quả không sai khi cho rằng: “Nghịch lý là gia vị bí mật của thơ. Không có vô số điều mâu thuẫn và ngạo mạn, thơ sẽ nhạt nhẽo như bài giảng ngày Chủ nhật hay bài phát biểu thông điệp liên bang của tổng thống”. Quỳnh - với sự nhạy cảm hồn nhiên của một người mới đến với thơ, dường như đã bắt nắm được thứ gia vị đặc trưng đó của thơ để viết ra những dòng lãng đãng thơ mà như không thơ, những rủ rỉ tâm tình ngăn ngắt hoang mang và yêu đương khờ dại cuộc đời.
trong cái lạnh lẽo của mùa hè tháng 7
nàng bước ra dưới cái nắng hiếm hoi của xứ sở ôn đới hiền hoà
để làm cháy đi làn da châu á
để cạo hết nỗi buồn trên gương mặt, trên cơ thể, trên tóc và răng của nàng
mọi bộ phận đang chết lâm sàng và lặng yên lặng yên
như đang chờ một kết quả cho một hy vọng mong manh
mong manh
(Nắng không thể cạo hết nỗi buồn của nàng)
Động từ “cạo” khiến tôi rùng mình y như cái rùng mình dưới cơn nắng lạnh phi lí của mùa hè trong thơ. Cũng thế, tôi rùng mình vì nỗi buồn thảm thiết của “nàng”. Nếu đã lỡ dấn bước vào khu vườn bí ẩn Quỳnh thơ, bạn sẽ thấy rùng mình là cảm giác thường trực.
Đọc thơ Quỳnh không phải để vui, để say sưa rồi quên như quên một cảm xúc hời hợt bột phát nào đó bởi thơ Quỳnh khiến người ta mệt lử vì nỗi buồn và niềm tuyệt vọng.
Những cơn thở dài không phải yếm thế
nỗi buồn lặn sâu cào xới những rạn nứt
sự tù tội của tinh thần
nghèo nàn của những tâm hồn cứ như thơ ca
mà thì ra như những kẻ chết tiệt, bệnh hoạn
Những cơn thở dài bao lâu có một lần
lòng người như gió cuốn cuốn đi vì lòng người quá mỏng mà thôi
gió chả vô tình vô ý
đâu đủ đậm sâu giữ lại cho riêng ai
ban phát tung toé giả vờ yêu đương
như những kẻ điên trên những đôi mắt kính khác màu
đầy hiểu biết và thông dụng
giàu có và hơn người
toan tính quẩn quanh
triệt tiêu cái này để có cái kia
Ôi những cơn thở dài chết tiệt
nó làm cho một ngày cúi xuống tận đáy mồ sâu
tự chôn mình, chôn cả linh thiêng, tận hiến
chôn cả trái tim và bộ óc đủ đầy lý trí thị phi
chôn đôi bàn tay viết lách trên những con chữ vô nghĩa và tình yêu trở thành phù phiếm
làm gì có tình yêu
cơ hội và luôn là cơ hội
của những kẻ săn mồi
(Một buổi chiều mùa hè)
“Buổi chiều mùa hè” trong thơ Quỳnh mới ngột ngạt làm sao giữa đông đặc những động từ mạnh và những tính từ tàn úa. Trong sự cùng quẫn của cảm xúc tiêu cực, nhân vật trữ tình đã để tiếng thở dài đào mồ chôn chính trái tim và tình yêu của mình. Giữa mùa hè, mùa của sinh sôi, nấm mồ tinh thần ấy đột nhiên trở nên phi lí hết sức. Thế là, người đọc đã bị đánh lừa ngay từ cái tiêu đề dịu dàng của bài thơ.
Cũng thế, dù chưa từng có duyên gặp mặt người thơ, tôi đồ rằng, vẻ mong manh của Quỳnh chẳng mảy may giống những câu thơ buốt chật linh hồn mà Quỳnh viết. Thơ Quỳnh trong nỗi tuyệt vọng quá đỗi đàn bà không ít lần khiến ta rã rời thân xác vì những ý niệm cuồng loạn, vì những cảm xúc thiêu đốt tận đáy sâu tâm can.
Những tình yêu mồ côi
sinh ra những tinh thần mồ côi vĩnh viễn
Những bài thơ ra đời
sự sinh sản vô tính của một nhà thơ nữ hoặc một nhà thơ nam
giao hợp bằng tinh thần khuyết tật đầy khát khao
hoặc những bài thơ sự sinh sản hữu tính khác
sự kết hợp tình yêu trong những đau khổ muộn màng đầy khắc khoải
tình yêu thiêu huỷ thế giới này
trước chữ nghĩa tình yêu trở nên giới hạn và vô vọng
không thể giãi bày sẻ chia
sự sinh sản hữu tính trở thành vô tính
tầm thường
sự vô tính trở thành nhịp điệu thường hằng như một thú mode thể hiện sự thành công mạnh mẽ phi thường
tình yêu thiêu huỷ
làm cho nát tan không hàn gắn
giữa 2 con người
một người đợi và cho
một người phí phạm vứt đi và không chờ nữa
họ không đối thoại với nhau
họ triệt tiêu nhau bằng im lặng phép lịch sự tinh thần của thế giới vô ngôn tưởng là thiền và có học đầy hiểu biết
họ im lặng giết nhau bằng thứ bao lực không âm thanh không giai điệu họ trốn tìm nhau như những con thú ác
tình yêu thiêu huỷ loài người
thiêu huỷ bản năng tự nhiên và cái Đẹp
trở thành mù loà
dang dở
ngay cả khi trên những đôi mắt kính lấp lánh niềm vui
tràn đầy thi ca
những bài thơ tràn đầy tuyệt vọng âm u
trượt ngã từ ngay chính từ tác giả
từ bạn đọc
không ai còn tin nhau
trao cho nhau nữa
họ cố thủ trong cái tôi định kiến
sự hẹp hòi đầy tăm tối
những cái hang không còn ánh sáng xuyên qua
những buổi hoà nhạc chỉ là một giấc mơ ở phía Tây bên kia đại dương
ở nơi nào đó, những con người đó, vĩnh hằng cô đơn như sự lựa chọn không thể khác của chính họ, của những cái Tôi không thể trở thành Trách nhiệm trưởng thành
có bao nhiêu cái hang, có bao nhiêu đời sống trong hang tối và không chịu thoát ra khỏi đó
nỗi buồn thời này chất chứa từ bao đời, từ quá khứ, từ hiện tại và tương lai chỉ là hy vọng hão huyền cho sự ảo tưởng khốn cùng
và vẫn phải tiếp tục
tiếp tục
sự sinh sản vô tính, hữu tính, ảo tưởng
cái chết và sự sống
như anh và em
một cuộc tình thi ca dở dang
những bài thơ mồ côi
sự sáng tạo mồ côi
sự chia sẻ mồ côi
cả những bạn đọc mồ côi
tuyệt vọng đến bao giờ
(Tình yêu thời này)
Nếu tình yêu là một thực thể, tôi tin là nó sẽ ngã quị ngay trước những dòng chữ kết tội sầu muộn bế tắc này. Quỳnh đã không còn tin vào tình yêu, không còn tin cả vào chữ nghĩa thi ca. Nỗi tuyệt vọng cùng cực đã đẩy Quỳnh đến những liên nối nặng nề giữa tình yêu, sự sáng tạo, nhà thơ và độc giả.
Nhưng may thay, giữa những tứ thơ siêu thực điên rồ, thơ Quỳnh vẫn còn những câu đẫm vẻ dịu dàng đời thường thế này:
lần đầu tiên nàng khóc trước đêm giao thừa
hoa thuỷ tiên trên bàn gỗ đã tàn
không nở vào lúc ấy
nước mắt của người đàn bà ngoài 30
như một đứa trẻ
nhớ nhà
lần đầu tiên nàng nhận ra
dòng máu An Nam của nàng đã cạn khô và tái sinh
như lúc này
nó chảy ra trong não của nàng
và tình yêu ấy quá bền lâu
khiến nàng thêm dằn vặt
khổ đau
chưa bao giờ nàng khóc những ngày giáp Tết
cả khi nỗi cô độc thanh xuân giữa thành phố hơn 6 triệu dân
nàng thanh thản mỉm cười
thế mà lúc này nàng khóc
giữa mùa đông Châu âu
nước mắt như một bông hoa héo
rơi xuống
lặng im
nước mắt rửa khô và hàn gắn
tình yêu tưởng như tan biến
tưởng như nát tan
giấu chặt
(Giao thừa 16)
Những câu thơ khắc khoải tuyệt vọng sầu u thế này chỉ có thể là những câu thơ được viết ra bởi một người đàn bà say đắm.
em chả thể nào khóc được như thế
mà trong lòng đầy nước mắt héo khô
ước được là chim sải cánh dài vượt đại dương tìm anh
đậu trên vai anh
rồi biến mất
chạm vào tim anh
rồi chết đi
(Đi về phía biển)
Song tử có ba phần nhưng đọc phần nào, tôi cũng đều nhận ra nỗi khắc khoải của người viết trong mối liên hệ qua lại giữa tình yêu và thi ca, giữa chữ và người.
chữ làm tình làm tội
những tham vọng
thèm muốn
ngoài khả năng
chữ rửa tội
đôi tình nhân
tình tứ
trên bàn phím
trên những email
rửa tội những linh hồn
thoát xác
mỗi ngày chữ sinh ra
bao nhiêu luyến ái
bao nhiêu oán thù
ngày mai
chữ đi đâu
về đâu
cùng cái chết
chữ rửa tội
cho những tội đồ
vụng dại yêu đương
nhẹ dạ
tin chữ
hơn tin người
tin đời
chữ xưng tội
với người
trong hư vô
chữ nhìn thấy sự phản bội
ẩn náu tương sinh
trong hàm tương khắc
sinh khắc trong chữ như nhau
chữ biết tất cả bí mật
sự vô thức
cái chết ngập tràn
sự sống trong phút giây
vụt tắt
không tương lai gần xa
chữ như thân phận
như tình người
chung thuỷ
bạc bẽo
xa xôi
gần gũi
nát tan
còn chữ
còn tình
hết chữ
hết tình
hư vô
thương chữ
thương tình
tình đa đoan tình dang dở
thương người thương chữ thương tình tình thương
(Tình chữ)
Xuyên suốt tập thơ Song tử của Như Quỳnh de Prelle là bầu không gian của linh hồn với những ý nghĩ vốn ẩn nấp nhưng bị đào xới lên không thương tiếc. Chính vì cái không gian vừa mở vô biên vừa bó kín ấy mà thơ Quỳnh vẫn là khu vườn bí mật. Dường như Quỳnh, trong một nỗ lực bất thành hoặc một sự cố tình sắp đặt đã cố gắng dẫn thơ về quỹ đạo thường hằng của vũ trụ bằng những nhấn mạnh về mặt thời gian. Ngay phần đầu tiên, tập thơ có hẳn một chùm thơ nối nhau, mỗi bài viết cho một tháng (Chào tháng 3 và những cái chết trong tưởng tượng, Nỗi buồn tháng 4, Tuyệt vọng tháng 5, Thư tháng 6, Niệm sinh tháng 7). Nhân vật thời gian xuất hiện khá thường xuyên trong tập thơ (mùa, ngày, tháng), như một níu kéo, một neo đậu để mọi ý nghĩ xa xôi đến mấy cũng còn chỗ quay về.
Vẫn trong đám mây mù ý niệm, tôi đọc thơ Quỳnh và cố gắng hiểu vì sao Quỳnh đặt độc giả vào những trạng huống tinh thần khác thường ở những thời điểm, thời đoạn tưởng như bình thường nhất. Ngoài chuyện cố tính gây hiệu ứng xung động mạnh cho độc giả bằng thứ gia vị nghịch lí, tôi vẫn cho là còn có lí do nào đó khác mang màu sắc cá nhân của người viết. Liệu có phải rằng, Quỳnh đang tự sự về mình, giữa một cuộc đời ấm êm, giữa những giây phút thanh bình nhất của đời thường, cô vẫn luôn tìm thấy điều gì đó nhói buốt tâm can khi tự đào sâu vào nội tâm của chính mình. Dường như, nội tâm cô vẫn luôn quẫy đạp đòi hỏi được sống kiệt cùng.
Tôi đoan chắc cũng chính vì tinh thần tự bứt phá và giải phóng ấy mà Quỳnh chọn lối thơ tự do, với cách ngắt dòng bất qui tắc, với nhịp thơ phóng túng. Đáng kể là tập thơ có sự góp mặt của thơ văn xuôi, với lối kết hợp ngẫu hứng của việc kể và việc tỏ bày trong hình hài của một tự sự thơ.
Nàng cắt từng ngọn cây non trên hàng rào xanh như ngọc của mùa xuân đang hết dần
từng ngọn từng ngọn một, từ cao đến thấp, từ xanh già đến xanh non
cho thật bằng nhau cân đối của khuôn hình hàng rào như một bon sai sắp đặt
sự tỉ mỉ của việc làm vườn cho nàng ngưng lại những ý nghĩ điên loạn trong thoáng chốc
rồi nó lại bừng lên rạng rỡ sự sáng tạo không ngừng nghỉ trong 2 bán cầu não của nàng và 2 trái tim bập bùng như lửa
cắt cây trong vườn tỉ mỉ tỉ mỉ làm nàng nhớ có những lúc nàng cần điềm nhiên như thế này khỏi cơn nhớ anh nhớ thời gian xa cách bằng một buổi sáng
dù có lúc nàng diễn dịch sai hoàn toàn thiện chí của người đàn ông mà nàng đang yêu
và không thể chính xác như từng ngọn cây bị cắt thật bằng phẳng của đôi bàn tay dài trơ xương của nàng
nàng thích vườn, cây cối, hoa và cỏ. có lúc nàng lười biếng nằm nghe tiếng chim liến thoắng cùng tiếng gió đung đưa cùng nắng và mặt trời trong đôi mắt kính màu nâu sẫm. tiếng máy bay trực thăng ầm ầm ngay trên đầu.
nàng sợ ánh sáng tự nhiên chói loà như hào quang lấp lánh của sân khấu của các nhà hát, của những cuộc gặp gỡ, hò reo.
nàng chui mình vào một lỗ cây mận đang trĩu quả bị sâu cùng với cành hoa lys gẫy, nằm nguyên đó cảbuổi chiều thanh vắng, tiếng chuông nhà thờ ngoài phố vang vọng chả khiến nàng ngân lên chút cầu nguyện nào.
nàng chôn cả mùa hè xanh như ngọc vào những buổi chiều ngoài vườn.
(Làm vườn 1)
Như Quỳnh de Prelle, có lẽ cũng đồng điệu với Charles Simic – nhà thơ người Mỹ khi coi những bài thơ văn xuôi là “kết quả của việc cố gắng thoát khỏi bản thân”, là “sự do khỏi trí tưởng tượng và bộ não của chính mình, dấn thân vào cuộc phiêu lưu với những hệ quả không thể lường trước”. Tuy nhiên, thơ văn xuôi của Quỳnh chưa phải là “đứa con quái đản của hai chiến lược không tương thích, trữ tình và tự sự” bởi trong những câu chữ mềm mại du dương được cố tình kéo dài trên đây, tôi vẫn nhận ra một thứ nhịp điệu của cảm xúc khiến phần thơ vẫn là phần dẫn dắt.
Dù đã đọc đi đọc lại tập thơ không biết bao nhiêu lần, tôi vẫn luôn cảm thấy bị bao vây khi cố gắng đột nhập thế giới của riêng Quỳnh bởi thứ chữ lắm khi cố tình giấu nghĩa nhưng lại tuôn bất cẩn không dè chừng không lấp liếm, không giấu che. Mỗi bài thơ hãy còn là một thử thách với riêng tôi. Tập thơ dù đã được tôi đọc ròng rã mấy tháng trời vẫn còn niêm giữ vẻ bí ẩn khó đoán của nó. Bởi thế, tôi không cho là mấy dòng cảm nhận đơn giản tôi được hân hạnh viết ra đây ảnh hưởng gì tới việc thưởng thơ của bạn. Nếu yêu thơ, xin mời nhập cuộc. Có điều này, tôi phải nhắc: thơ Như Quỳnh de Prelle không dành cho những người yếu tim.
Sài Gòn, 28/11/2016
Tiến sỹ văn học Nguyễn Thị Thanh Lưu
NHỮNG DÒNG THƠ NHAM THẠCH
Đọc “Song Tử” của Như Quỳnh de Prelle
Trong thế giới thi ca, mỗi thi nhân đều chọn cho mình một thế giới riêng, với một cách thức ngõ lời riêng. Những cách thức ngõ lời ấy, có thể như lời của những dòng sông êm đềm, ngọn gió thênh thang, tiếng suối xa rì rào hay cánh đồng cỏ vi vu, cũng có thể là tiếng rên rỉ của côn trùng nhưng cũng có thể là tiếng thác ghềnh ầm vang hay tiếng sét đì đùng một chiều giông gió… Riêng với Như Quỳnh de Prelle, qua tập “Song Tử” - (dành cho những tưởng tượng trong thi ca)”, có cảm giác như nữ thi nhân này đã chọn cho mình cách thức ngõ lời bằng những dòng nham thạch.
Đó là một thứ nham thạch cuồn cuộn trong huyết quản trào ra lúc ngực vỡ. Đọc suốt cả ba phần “Vỡ ngực”, “Thư viết cho người yêu”, “Song Tử và thi ca”, ta đều nhận ra sức nóng như lửa của dòng nham thạch ấy. Những dòng thơ nham thạch cứ chảy tràn trề, cho đến khi dòng thơ cuối đã chấm hết, vẫn chưa thấy tro bụi của nham thạch bay lên, lửa như vẫn còn âm ỉ trong đất đai của dòng thi ca Như Quỳnh de Prelle. Ở đó ta nhận cảm rất rõ nỗi đau vỡ ra cơn đau, từ đó máu chảy khắp không gian và trong những tĩnh mạch trắng của vô thức, những chiêm nghiệm tràn vào, lấp đầy.
*
Có hai nhân vật chính trong câu chuyện “Song Tử”, Song Tử và thi nhân, họ tạo nên bức tranh tình yêu cuồng nhiệt, cuống quýt. Và những nhân vật khác, đã hoàn tất vai trò tương tác của mình trong thế giới thi ca Như Quỳnh.
Trước hết hãy nói về nhân vật Song Tử, nhân vật mà ngay từ “Lời tác giả”, đã tỏ bày: “Song Tử là quà tặng dành cho Song Tử của riêng tôi”; đây chính là một cung đời, cung sao của Người yêu – Chàng thơ của tác giả. Chân dung Song Tử được dựng lên là:“người đàn ông của đời thường bao dung/ người đàn ông của thi ca xa lạ và quyến rũ nàng bằng thứ ngôn ngữ lạ kỳ” (Tuyệt vọng tháng 5),
Tác giả - Nàng, đã gọi tên Chàng:“anh là cánh rừng màu xanh của em/ là ngôi nhà diệp lục tưởng tượng của em/ là Song Tử…” (Thêm một trái tim ở bên),
Vậy mà trong cơn mê yêu, nàng hoang mang hạnh phúc tự hỏi không biết chàng đến từ đâu? Hay chính chàng đã đến trong đời thực, trong cơn mơ và trong cả thi ca của nàng, làm nàng choáng ngợp?:“anh đến từ đâu/ bầu trời hay mặt đất”, “anh đến từ vũ trụ của em/ anh là thời gian không gian của em”, “anh đến từ đâu/từ câu thơ của em/ hay bài thơ của anh/từ giọt nước/ hay từ bông hoa/ từ cõi vĩnh hằng em không nhìn thấy/ hay từ cõi chết trong em anh xuất hiện/ từ ngọn lửa trong mắt em…/ từ ánh trăng trong bản nhạc chiều/ từ mặt trời sau cơn mưa…” Và nàng xác định gốc gác của chàng: “anh đến từ một cánh rừng/mang tên anh/là anh”…(Anh đến từ đâu),
Quả thật ít khi ta gặp chàng thơ như một ảo ảnh như vậy trong thi ca, nhất là một thi ảnh hết sức hậu hiện đại như thế này: “anh là con tinh trùng vô hình/ quẫy đạp em/ sinh sôi”(Anh đến từ đâu).
Trước một Song Tử như vậy, tình yêu của thi nhân dành cho chàng đã cuộn dâng như những dòng nham thạch là phải. Rất nhiều lần nàng tha thiết ngõ lời yêu với tâm tình hiến dâng, mãnh liệt, tận cùng: “em chăm chỉ yêu anh/từng ngày từng ngày một” (Chăm chỉ yêu anh từng ngày một); “em yêu anh yêu anh/cạn kiệt hết đời sống này/ Song Tử của em” (Song Tử của em).
Dẫu biết: “Cái tôi của người đàn bà khi yêu/nhẹ dạ như viết một bài thơ/ như tình yêu vô điều kiện với thi ca sầu muộn”. Ở đây, tình yêu trai gái và tình yêu thi ca đã manh nha là những dung nham trào lên tan vào nhau, hòa vào nhau.
Yêu và chấp nhận: “Một lần nữa yêu/ một lần nữa buồn không ngớt” (Thư tháng 6)
Muốn sẻ chia cùng người yêu: “muốn được ôm anh, hôn gương mặt anh/ cứ buồn bã người đàn ông Song Tử/ cuộc đời này luân chuyển buồn vui/ tỏ bày cùng ai tỏ bày cùng ai/ anh ơi” (Nỗi buồn trên cây 16)…
Nàng giới thiệu với chàng về nàng, với muôn vàn chân dung, vì dù sao nàng vẫn là đàn bà. Nàng muôn vàn tưởng tượng về chân dung người mình yêu: “em tưởng tượng anh là bông hoa và em ngắt nó để ép vào ngực áo”, “em tưởng tượng anh là thời gian thời gian”, “em nhìn thấy anh ở 800 năm trước…em nhìn thấy anh trong bức hình/ người đàn ông đang cầm chiếc kéo…”, “em nhìn thấy dòng chữ của anh trên đám mây của buổi sáng”…
Nhưng chân dung một người đàn bà làm thơ có những đa đoan riêng: “người đàn bà ấy ma lanh/ vươn mình lên nghiến những câu thơ”, “cô ấy giết đi trong tưởng tượng/ cái đẹp ma lanh quỷ quyệt/ đang tràn lấp khắp nơi/ đang lên ngôi”, “cô ấy muốn bẻ đôi tay/ cầm bút” (Chào tháng 3 và những cái chết trong tưởng tượng)…
Nàng không khỏi có những cuộc nổi loạn lạ lùng, chẳng hạn nàng muốn “cạo”, “để cạo hết nỗi buồn trên gương mặt”. Bài thơ “Nàng không thể cạo hết nỗi buồn của nàng” là một cú thi ca đi xuống giữa đời thường bụi bặm để nhặt chữ, và chữ “cạo” được mang về dùng hết sức ấn tượng.
Nhưng chưa dừng lại, không chỉ là cuộc nổi loạn, nó là một cú trào dâng mãnh liệt của núi lửa, nàng muốn “ăn” hết cả chàng khi nàng yêu: “em muốn được ăn cái lưỡi của anh”, “em ăn cả cơ thể của anh”, “em muốn được ăn anh toàn phần”… (Thư viết cho người yêu). Không chỉ ăn mà nàng còn muống uống: “cho em uống anh trong cơ thể em” (Em và anh)…Thật rất ít gặp sự bạo dạn mà rất ý nhị đắm đuối, thừa cá tính ấy trong thơ nữ Việt Nam hiện nay.
Tình yêu đôi lứa ở đây cũng tự bộc lộ hết mình giữa thế giới. Tình yêu của họ rất đẹp và hòa hợp: “anh là cánh rừng/em là dòng nước/ chúng ta bao quanh nhau”; “chúng ta có nhau trong từng tĩnh mạch/ từng nhịp đập/ từng sẻ chia”…
Có thể hình dung Song Tử của nàng đọc những bài thơ này sẽ mỉm cười hạnh phúc.
Nhưng thế giới trong đó có tình yêu của họ lại đang đầy những nỗi buồn:“buồn trái tim hẹp/ buồn lý trí ác ôn/ buồn cả cuộc đời/ chả vui hết ngày” (Nỗi buồn tháng 4); “không bao giờ ngớt nỗi buồn trên cây” (Thư tháng 6); “nỗi buồn lặn sâu cào xới những rạn nứt” (Một buổi chiều mùa hè),
Thế giới ấy đầy những cơn đau: “cơn đau tình ái/cơn đau bệnh đời/ cơn đau của cái chết” (nàng không thể cạo hết nỗi buồn của nàng”
Thế giới ấy đang trổi dậy bản năng gốc:“Những người đàn ông ngồi nhậu với thịt mèo/ Thịt chuột như là một thứ ăn chơi sành điệu/…họ trở thành những kẻ tội lỗi/Với những con vật vô tội/ Có kẻ thì hả hê ta đã ăn được những con mèo đẹp mình thon, thịt thơm”
Thế giới ấy đầy dối trá: “không phải sự tận hiến nào cũng làm cho tình yêu vĩnh cửu vì sự phản bội đan xen và xâm lấn như sự ngấm ngầm của thói quen đầy dối trá” (Phản bội).
Thế giới ấy cái ác rập rình: “làm gì có tình yêu/ cơ hội và luôn là cơ hội/ của những kẻ săn mồi” (Một buổi chiều mùa hè); “họ im lặng giết nhau bằng thứ bạo lực không âm thanh không giai điệu họ trốn tìm nhau như con thú ác” (Tình yêu thời này).
Thế giới ấy khiến “nàng biến thành một con sâu rồi sinh ra cả một đàn sâu” và đến lúc “người đàn bà ăn cả đàn sâu/ trong đĩa” (Hoa tử cung), hết sức siêu thực khiến ta giật mình.
Và tất cả làm cho nàng trong cơn chán nản muốn đào hố chôn hết: “tự chôn mình, chôn cả linh thiêng, tận hiến/ chôn cả trái tim và bộ óc đủ đầy lý trí thị phi/ chôn đôi bàn tay viết lách trên những con chữ vô nghĩa và tình yêu trở thành phù phiếm” (Một buổi chiều mùa hè),
Thế giới ấy làm cho nàng tuyệt vọng, mệt nhoài, nàng có những toan tính để thoát khỏi thế giới. Những toan tính của nàng lại khiến chúng ta âu lo: “ta sẽ lấy những bàn chông siết chặt vào cái cổ/ ta sẽ lấy con dao phay khổng lồ chặt những đôi bàn tay, những đôi bàn chân, treo cổ trên cây bằng dây thừng/ ta sẽ kẹp những ngón tay viết lách cầm bút/ ta sẽ đổ thuốc độc qua cái phễu vào mồm và kéo chân của kẻ tử tù bằng ròng rọc/ ta sẽ chém cho đầu rơi vào túi rách nát/ ta sẽ đeo mặt nạ sắt với kẻ thù/ ta sẽ chết” (Lâu đài mùa xuân một buổi chiều)…
Nhưng thế giới ấy lại khiến nàng phải tin vào những điều đáng tin để tồn tại:“tin vào sự an nhiên/ tin vào sự cô độc/ tin vào sự kiếm tìm” (Tuyệt vọng tháng 5)…
Vậy cái gì dành cho tưởng tượng thi ca? Trong rất nhiều thứ tưởng tượng, có cái tưởng chừng như tưởng tượng mà lại rất thực: “Người đàn bà điên như nô lệ của chữ nghĩa, thi ca, trút ra…”(Mặt trời và người đàn bà điên),
Tình yêu thi ca của nàng mãnh liệt đến độ nàng đã tưởng tượng muốn được “ăn” tất cả. Đây là lần thứ hai ta gặp nàng “ăn”. Nhưng cái ăn này khác cái ham muốn “ăn cả cơ thể của anh”, bởi nàng muốn ngấu nghiến tất cả vì thơ, để làm nhựa sống cho nham thạch thơ của Tác giả - Nàng: “nàng muốn ăn được cả vạn vật trên thế giới”, “nàng muốn ăn cả những mái tóc xù”, “nàng muốn ăn cả những lời thối tha”, …; chỉ để “sau khi người ta đọc và ăn những bài thơ bằng mắt, ý nghĩ/ bằng cách nào đó/ nàng tiếp tục viết/ ăn cả loài người/ bằng ngòi bút/ trên bàn phím…” (Nàng thơ).
Bởi thi nhân muốn sẻ chia trong một nhân loại đầy những con người vô danh và cô đơn:
“Một người nằm xuống/ tôi mới biết rằng con người đó tồn tại/tài hoa/ tử tế/ thế giới thật rộng lớn/ khi sự hiểu biết của tôi còn giới hạn/ tôi nghiêng mình trước một người xa lạ/ thành thân quen/ tronng thế giới loài người”…(Cuộc thế).
*
Những dòng nham thạch ấy đã chảy thành những nhịp điệu riêng của Như Quỳnh de Prelle, những nhịp điệu mãnh liệt nhất, tha thiết nhất, day dứt nhất khi nó được thể hiện bởi dụng ý lặp chữ: “có lúc nàng tuyệt vọng như một đám tang suốt mùa/ có lúc nàng nhẹ dạ ngô nghê trao gửi không hề hấn chi/ có lúc nàng tin tin vào ngọn cỏ”, “những ngày mưa tháng 6 triền miên như khóc như khóc”, “những đàn kiến lầm lũi lầm lũi cặm cụi cặm cụi”,”anh nằm trên ngón tay em lặng im lặng im”, “em chỉ yêu thôi/ chỉ yêu thôi/ vô sở cầu vô sở cầu”…
Chữ thật sự quan trọng đối với thi nhân, vừa giúp trãi lòng trong kiếp người cô độc, vừa đọa đày trong cơn hoan lạc sáng tạo: “Chữ làm tình làm tội”, “chữ như thân phận”, “mỗi ngày chữ sinh ra/ bao nhiêu luyến ái”, “chữ rửa tội/ cho những tội đồ”, “chữ xưng tội/ với người”… (Chữ). Với những khả năng câm nín, truyền tải đồng vọng và bao dung ấy, khiến cho thi nhân: “tin chữ/ hơn tin người”…(Chữ). Nhưng chữ đối với Như Quỳnh de Prelle, như đã nói, không hề là những bí từ đánh đố, không hề mang tính ẩn mật cao, bởi người thơ đã muốn nói thẳng tất cả những gì mình cảm nhận bằng một thứ ngôn ngữ hết sức rõ ràng, dễ hiểu, dẫu có khi là một cú nói thẳng “tôi ước gì tôi là một con bò” (Hiện sinh), hay dẫu đôi khi là một ẩn dụ hiển nhiên: “mùa đông còn lại trên chiếc khăn choàng của em” (Mùa đông còn lại)…
Nhưng không vì vậy mà có thể nói “Song Tử” là tập thơ dễ đọc. Khi đọc tập thơ này, tôi đã nhiều lần đứng dậy mở cửa sổ để thở, để thoát khỏi thế giới thơ đang bị đốt cháy bởi nham thạch, xem thế giới ngoài kia mình đang nhìn lại có tồn tại thực hay không? Bởi thế giới của thơ Như Quỳnh quá rộng với những tâm tưởng lạ, ngập những bức bối day dứt ám ảnh về cõi nhân gian, tràn sức nóng; nó cuồn cuộn dung nham tự sự lịch đại, đồng đại giữa tình yêu và loài người, tình yêu và thi ca, chữ và thi nhân… Để làm gì? Là chỉ để như Tác giả - Nàng nói: “Thi ca của nàng tìm kiếm sự kết nối trong mọi trạng thái tương tác của con người, mọi trạng huống, ngẫu nhiên mà trùng lặp như một sự phân tâm của mối quan hệ tương hợp” (Thi ca hiện sinh). Dẫu nhiều khi nàng thảng thốt: “Thơ ca trong em bất lực/ không đủ đầy sẻ chia/ để cất lời/ để nói bằng tiếng yêu như nó vốn có”…(Và anh tồn tại).
Ôi thi sỹ giữa thế giới, thơ chỉ là một giãi bày, một khát khao nhỏ nhoi về một thế giới tốt đẹp hơn, và chính vì thế nó bất lực và nó cô đơn hơn bao giờ hết, giữa muôn trùng vô cảm hôm nay.
Hồ Đăng Thanh Ngọc
Tìm kiếm
Lượt truy cập
- Tổng truy cập49,805,140
Công ty TNHH TM DV Green Leaf Việt Nam
Là Công ty Dịch vụ vận chuyển hành khách hàng đầu Việt Nam! Năm 2019, Green Leaf VN có hơn 500 xe du lịch từ 4 chỗ đến 50 chỗ, đời mới, đạt 150 ngàn lượt xuất bãi. Tỷ lệ đón khách thành công, đúng giờ đạt 99.97%.
*Nhân viên chăm sóc khách hàng người Nhật luôn tạo sự yên tâm và tin tưởng cho khách hàng...
Arita Rivera Đà Nẵng Hotel: Sông Hàn một bên, bãi biển Mỹ Khê một bên! Khung cảnh vô cùng thơ mộng, lãng mạn. Tiện nghi hoàn hảo, hiện đại.
Khung cảnh vô cùng thơ mộng, lãng mạn. Tiện nghi hoàn hảo, hiện đại.
Chủ khách sạn là cặp vợ chồng: Triệu Thế Hiệp - Giám đốc điều hành Công ty Đông Tây Promotion, chuyên sản xuất các chương trình Truyền hình cho VTV & HTV- và Phạm Thành Hiền Thục - Tiến sỹ Đại học Queensland Australia, đang sống & làm việc tại Australia.
Chỉ có thể là ARITA RIVERA: Vẻ đẹp Hoàn hảo!
WELCOME TO ARITA RIVERA
Located near the romantic Han River, with an architectural style heavily inspired by French architecture, Arita Rivera is truly one of the classy boutique hotels in this beautiful coastal city. With unique architecture, using the balcony as a highlight for airy space, all rooms are modern, comfortable, with free Wifi, 24/7 room service and complimentary afternoon tea, etc. to be suitable for visitors to the resort. This is a paradise for couples who want to experience romantic vacations, and a place for all those who enjoy taking photos to experience when coming to Da Nang.
The Arita Bar - Restaurant on the 11th floor is open 24/7. This is where you can enjoy fine Asian and European cuisine from professional chefs, enjoy unique cocktails and view the city from the brightly-colored banks of the Han River.
Visitors can relax at the swimming pool at the top of the building or the Arita Spa on the 2nd floor of the hotel.
Enjoy life, enjoy Arita experience!
Đọc nhiều nhất
- Phạm Hổ - Thơ viết cho nhi đồng
- Người của giang hồ (5): Lâm Chín ngón
- Thuật quan sát người (4)
- Người của giang hồ (11): Hải bánh
- Người của giang hồ (8): Huỳnh Tỳ
- Thuật quan sát người (2)
- Vài nét về tục Cúng Mụ, đầy tháng, thôi nôi
- Vài tư liệu về Tục thờ Thánh Mẫu
- Chùm thơ về Tây Nguyên
- Chuyện Sọ Dừa