15. Ông Mí Cháng vung búa, chém mấy nhát nữa. Chiếc
búa mới chêm, mài vậy mà lưỡi búa chỉ bập nhẹ vào gốc cây.
Cán búa dội lại, muốn bật khỏi tay ông. Thì ra ông đã thấm
mệt. Chân tay mỏi rời. Đầu gối run run. Lưng áo đẫm mồ
hôi. Ông thả người ngồi bệt xuống đám cỏ. Đờ đẫn, ông đưa
mắt nhìn quanh. Quả đồi rộng, thoai thoải. Đất tơi, anh ánh
chất màu mỡ. Nguồn nước lại không xa. Một người Mèo đi
tìm đất phát nương, đến chỗ này có thể cắm nhà tạm được
rồi. Ông đã dừng lại. Sau khi dựng lều, ông hăm hở phát lau,
cây vòi voi. Khi mảnh đất đã quang, ông bắt tay vào chặt
đám cây to. Sức ông chưa đến nỗi đuối. Mà sao mới ngả
được mấy cây, ông đã thấy mệt mỏi. Mệt mỏi và buồn nản.
Có lẽ ông biết các gia đình người Mèo ở rải rác trên các đỉnh
núi giờ đây đã quây quần ở bản làng. Ông thì lại bỏ bản làng
đến sống trơ trọi ở đây. Trong khi họ đi làm với tổ, đội, ông
ở chỗ heo hút này, làm một mình. Dù có chán ghét cái hợp
tác xã Lù Chải đến đâu, ông cũng không khỏi buồn. Tâm
trạng đó đã cướp đi của ông một phần sức lực còn lại.
Bỗng chốc, ông Mí Cháng lại thấy tức giận. Tức giận Seo
Mỉ, A Dếnh, bác Giàng Vần... Tức giận vợ ông và cả bản thân
mình. Phải bỏ dở mảnh nương màu mỡ, trở lại bản Lù Chải
hay sao? Không, người Mèo đã ra đi, không quay về với
mảnh nương đã gầy. Ông loạng choạng đứng lên, nhổ bãi
nước dãi vào bàn tay cho đỡ rét và cầm lấy chiếc búa. Rồi
nghiến răng vung búa chém. Cái cây chưa đổ, ông đã lại
thấy mệt. Lần này mệt bã. Mắt ông hoa lên, mồ hôi vã ra.
Ông lảo đảo quay vào lều. Trong yên lặng của túp lều trồi
lên tiếng ngáy của lão mú cống. Lão ta lại mò ra đây lúc sẩm
chiều hôm qua. Và lúc này lão ta còn đang ngủ. Cái thân
hình gầy còm nằm co quắp bên đống lửa đã lụi, khiến ông
chán ngán đến tột độ. Ông muốn thét lên: Chử lầu à! Ta gặp
phải rừng gai rồi sao? Nhưng ông lại ghìm được.
Một lúc lâu sau, ông Mí Cháng mới lại sức. Qua cơn mệt
đến cơn đói. Ông lấy bột ngô ra để đồ. Túi bột vợ ông vừa
tiếp tế, chỉ còn đủ cho sáng hôm nay. Bữa sáng đã vậy, bữa
chiều thì sao? Lại còn lão mú cống. Lão ta đã mò đến đây,
không lẽ để lão ta đói. Nỗi buồn lại ập đến xâm chiếm lấy
ông. Ông lặng nhìn ngọn lửa ngập ngừng bén vào các thanh
củi ẩm. Bếp lửa khói um.
Chõ mèn mén vừa chín tới thì bà Mí Cháng bước vào.
Trước khi vào lều, bà đã dạo quanh mảnh nương. Mảnh
nương phát nham nhở. Và ở đây, túp lều trống trải. Gió
đang lùa vào, rung các cánh liếp. Bà khẽ thở dài.
- Ông đi về với vợ con, ở đây một mình không nên đâu.
- Phút sau bà Mí Cháng nhẹ nhàng nói - Ông được nhiều
tuổi rồi. Trời có lúc nắng lúc mưa, ông phải có lúc khỏe lúc
ốm. Khi ấy, ai chăm nom ông? Bây giờ người Mèo ta ở chung
trong bản, cùng đi làm cho hợp tác xã, sao ông bỏ đi để lại
đói rét như ngày xưa? Bụng ông nghĩ sai quá.
Những câu nói có lý có tình của người vợ trước kia vẫn
chịu lép một bề, đã làm cho ông Mí Cháng suy nghĩ. Thật ra,
những ý nghĩ đó đã lởn vởn trong đầu ông từ mấy hôm nay.
Nhất là lúc này, - lúc cái cán búa đã bỏng rát trong tay và sự
hăm hở buổi đầu đã nguội lạnh trong lòng. Tuy vậy, ông vẫn
còn tự ái.
- Tôi không quay về bản Lù Chải cũng không phải đói
rét mà. - Ông Mí Cháng nói cứng. Rồi ông nhắc lại cái câu
người Mèo thường nói - Người Mèo chỉ cần có cái búa, túi
bắp giống, chỗ nào cỏ mọc được, người Mèo sống được.
Bà Mí Cháng rắn rỏi ra:
- Chỗ nào cỏ mọc được, người Mèo sống được. Nhưng
sống như con dế dưới khóm ngải, ông còn chưa biết hay sao?
Bà Mí Cháng nói đúng quá. Người Mèo trước kia, trừ
một số ít có quyền thế, có nhiều trâu, ngựa, bạc trắng là
sướng còn thì đều như con dế núp dưới khóm ngải. Con dế
gặm cỏ, uống sương mà sống. Đêm khuya thanh vắng, nó
mới dám kêu rích rích nói đến nỗi khổ của nó. Già nửa đời
người sống lang thang, ông Mí Cháng chẳng lạ gì cái kiếp
con dế. Khổ thật khổ... song ông chưa chịu thua người vợ từ
trước tới nay vẫn phục tùng mình.
- Người Mèo không ai muốn thế đâu. Nhưng không có
đất, phải đi tìm đất mà sống... - Ông Mí Cháng gượng nói.
- Sao lại không có đất? Có hợp tác xã, ruộng nương
không gầy nữa. Bao quả đồi bỏ không cũng có cây mọc lên
rồi. Chị kỹ sư người Mèo ta bảo cây thông, câu trẩu sẽ cho ta
lúa, bắp, xèo. Đất tốt lại rồi, sao còn phải đi tìm đất?
Ông Mí Cháng nhìn trộm vợ. Dà! Sao hôm nay bụng bà
ấy sáng thế? Ông không khỏi ngạc nhiên. Sau đấy, ông nghĩ
ra. Chắc Seo Mỉ hay ai đấy đã nói với bà ấy những điều kia.
Bối rối, ông khum mấy ngón tay cầy ngược lên mái tóc,
miệng lẩm bẩm:
- Đất tốt mà người không tốt cũng không ở được...
- Từ hôm ông đi phát nương xa, chị Seo Mỉ, chị Seo
Chấn, anh Sùng Chí, ông Giàng Vần đều đến nhà bảo tôi đi
tìm ông về làm ăn với dân bản. Tối hôm qua, chị chủ nhiệm
lại đến nói chuyện với tôi lâu lắm. Như thế, cán bộ xấu hay
tốt? Bụng phải tối quá mới cho người ta xấu được.
Ông Mí Cháng lặng thinh. Té ra hợp tác xã Lù Chải đã
không chán ghét mà còn có lòng thương mến ông. Ông cảm
thấy thỏa mãn. Mặc dù vậy, ông chưa hết sượng sùng. Bởi
thế, khi vợ ông giục về, ông còn nấn ná ngồi lại. Bà Mí
Cháng dỡ mèn mén ở trong chõ ra, gói vào tàu lá soi, đặt bên
cạnh lão mú cống. Dọn dẹp xong, bà ái ngại nhìn lão thầy
cúng nằm co quắp bên bếp, đoạn bước ra khỏi túp lều.
Chồng bà lẳng lặng bước theo sau.
Vợ chồng ông Mí Cháng đã đi được một quãng bỗng có
một bóng người lách qua khe liếp, luồn vào trong lều. Ai
như A Lử? Đúng hắn. Hắn đến đây làm gì?
A Lử vừa ở bên kia về. Cũng đã lâu rồi, hắn không đem
hàng sang bán chỗ này, việc chạy hàng chuyến không ngon
ăn như mấy tháng trước nữa. Lẽ nữa, hắn còn đang buồn
bực vì không hái nổi bông hoa dồng dín tơ. Việc đi lao động
cho hợp tác xã cũng chẳng làm cho hắn vừa lòng. Hắn muốn
bỏ bản Lù Chải ra đi. Nhưng A Cấu đã vạch cho hắn thấy
con đường hắn định đi không có lối thoát. Hắn đành nán lại
chờ thời cơ. Trong những ngày giáp Tết, hắn lại nghĩ đến
việc chạy một chuyến hàng, chảo chớp lấy một món. Hắn
liền chạy đi mua bóng đèn, quần áo trẻ con... Hôm qua hắn
đeo một túi dết hàng, tất tả đi. Hôm nay hắn kéo lê bước
chân quay về. Chiếc túi hàng còn nguyên vẹn, trễ xuống một
bên vai. Chiều chợ đã thay đổi mà hắn không hay.
Biết ông Mí Cháng đang phát nương ở đây, trên đường
về, A Lử tạt vào. Hắn muốn nghe ngóng tình hình. Đêm hôm
trước, chú cháu hắn đã bàn bạc với nhau mãi đến khuya.
Nếu ông Mí Cháng đậu được ở đất này, chú cháu hắn sẽ dựa
vào ông ta, chuyển nhà ra đây. Họ cũng sẽ vỡ ruộng, phát
nương. Ngoài ra, chú sẽ trồng cây thuốc phiện; cháu thì
thỉnh thoảng lại chạy hàng chuyến. "Giang sơn một khoảnh",
họ sẽ thoải mái hơn là ở bản Lù Chải. Thêm vào đấy, một
mức sống đầy đủ hơn lúc làm xã viên hợp tác xã... Chú cháu
hắn tính toán như vậy... Lúc này đây, hắn ở trong túp lều
xiêu vẹo bên mảnh nương phát dở.
Mệt mỏi, A Lử ngồi xuống đống cỏ khô. Rồi đảo mắt
ngó quanh lều. Không thấy chăn chiếu, rìu búa, con dao phát
đâu nữa. Bát, thìa, cái chõ đồ mèn mén cũng không thấy nốt.
Chỉ có lão mú cống nằm bên đống lửa đã rạc. Và đang thở
khò khè. Ông Mí Cháng đâu? Nhìn quang cảnh, thấy rõ ông
ta đã đi chỗ khác, phát nương hoặc đã bỏ về nhà. Có điều
chắc chắn là ông ta không ở đây nữa. Đi buôn thì gặp chầu ế
ẩm. Định chuyển nhà lại không có chỗ dựa. Đi đâu, làm gì
bây giờ? Một nỗi buồn gần như hoang mang choán lấy tâm
trí A Lử.
Tia mắt A Lử dừng lại trên thân hình lão thầy cúng. Lão
ta vẫn nằm trong tư thế đó. Hai bàn tay gầy guộc đan vào
nhau, kẹp lấy đầu. Đôi đầu gối xương xẩu gập lại, co lên
ngực. Lão ta nằm yên, người dán xuống đống cỏ. Và hơi thở
nghèn nghẹn trong cuống họng. "Có lẽ mú cống ốm nặng.
Nằm một mình ở đây, vừa đói vừa rét, mú cống đến chết
mất...”. Thình lình ý nghĩ đấy đến với A Lử. Hắn liên tưởng
đến số phận A Cấu, đến bản thân mình nếu sống trơ trọi
trong túp lều hoang như lão thầy cúng. Bất giác hắn rùng
mình. Nỗi buồn bỗng tấy lên, nhức nhối trong lòng hắn.
A Lử châm đầu củi, gầy lửa. Mấy phút sau, hơi ấm lan
ra khắp nơi. Hắn lấy nắm cơm xôi đem theo, đặt cạnh gói
mèn mén dành cho lão thầy cúng. Rồi bước ra khỏi túp lều đã
để lại trong lòng hắn một cảm giác lạnh lẽo. Đi đâu đây?
Thất thểu, hắn đi về phía bản Mèo.
*
Trở lại hợp tác xã Lù Chải.
Có người ngày đi làm với tổ, đội, tối đến bên bếp lửa, lại
vẩn vơ nghĩ tới mảnh nương riêng. Có người vẫn muốn lần
theo dấu chân lang thang mà thời gian sắp xóa nhòa. Thậm
chí có người còn thù ghét, không muốn nó tồn tại trên đất
này. Vẫn còn những người như thế. Dẫu vậy, hợp tác xã bản
Mèo vẫn như ánh nắng lúc mặt trời từ khe núi nhô lên, nắng
ấm rồi, sương đang tan.
Những ngày này, ban quản trị hợp tác xã bận rộn. Vừa
đôn đốc việc làm vụ đậu tương hè vừa giúp các gia đình xã
viên tổ chức lại chăn nuôi. Seo Mỉ như con thoi. Hết lặn lội
dưới nương lại về trụ sở họp. Vừa đảo về nhà đã lại lật đật đi
ngoài ruộng. Có tối, mãi đến lúc gà rạo rực gáy lần thứ nhất,
chị mới về đến nhà. Mèn mén, canh đậu bà Thào Xóa phần
chị, lúc đó đã nguội tanh.
Bấy giờ trời đã nhá nhem tối. Seo Mỉ chạy đi cắt nắm cỏ
ngựa, vừa về đến cổng, đã thấy bà Mí Cháng đứng đợi ở
đấy. Nhác thấy chị, bà ta nói ngay:
- Sáng hôm nay tôi đến chỗ ông ấy phát nương. Tôi đem
lời chị nói với tôi, nói lại thì bụng ông ấy sáng ra, theo tôi
đi về...
- Cháu mừng cho bà! - Seo Mỉ ngắt lời bà Mí Cháng -
Thế là ông bà lại được ở một nhà, cùng làm cùng ăn...
- Chưa được như thế đâu, chị Seo Mỉ à! - Bà Mí Cháng
vội thốt lên - Lúc chiều, ông A Cấu đến chơi. Sau khi ông A
Cấu về, ông ấy bảo tôi, sáng mai ông ấy lại đi phát nương
không ở nhà nữa. Bụng tôi buồn quá.
Seo Mỉ nhíu mày. Giữ chân một con người đã cùng trời
cuối đất khó thật! Phút sau, chị đành động viên bà Mí
Cháng:
- Bây giờ bà về nhà, tìm lời tốt nói thêm với ông.
Tối hôm nay cháu phải đi họp. Họp xong, cháu sẽ đến nhà
bà. Bà cứ tin là hợp tác xã mà làm ăn tốt, ông phải nghĩ khác.
Lúc ấy, dù có đi xa, ông cũng sẽ quay về với gia đình, với
hợp tác xã.
Bà Mí Cháng thẫn thờ quay ra. Seo Mỉ địu lù cở cỏ ra tàu
cho ngựa ăn. Trong nhà có tiếng lách cách quen thuộc. Chắc
bà ngoại đang lụi cụi bày bát đĩa ra ăn, sửa soạn bữa ăn tối.
Chị toan quay vào chợt một người ăn vận theo lối cán bộ
thoăn thoắt đi vào trong sân. Anh kỹ sư chăn nuôi người
Tày. Chị đã hẹn với anh, tối hôm nay, cùng đến nhà ông
Chín Sàng. Biết tính anh tích cực, sốt sắng trong mọi việc, chị
vội nói:
- Ta đi chứ, anh Pảo!
- Ta đi thôi. - Sực nhớ ra, Pảo liền hỏi - Chị ăn bữa
tối chưa?
Seo Mỉ ngập ngừng:
- Tôi chưa ăn... nhưng tôi chưa đói đâu. Ta đi thôi, anh
Pảo à!
Hai người đi ra con đường mòn men theo khe đồi. Bóng
một con trâu, bụng no kềnh, đang đi lại, in một mảng tối
thẫm trên cái nền nhờ nhờ. Nó bước chậm chạp, cái mõ gỗ
đeo ở cổ, lắc lư. Lóc cóc, lóc cóc! Pảo ngắm nhìn con trâu.
Bóng dáng nặng nề với những bước chậm in trong bóng tối
im lìm khiến anh nghĩ đến một cái gì đã xưa cũ mà vẫn còn
tồn tại đến bây giờ. Anh nói nhỏ:
- Việc tổ chức lại chăn nuôi trong gia đình nhằm lợi ích
thiết thân của xã viên thế mà không dễ đâu. Vẫn còn có
những khó khăn đấy, chị Seo Mỉ à.
Con trâu đi ngang qua Seo Mỉ. Túm lông đuôi trâu quật
vào người chị, ran rát. Chị sực nhớ đến con trâu của ông
Sùng Tủa. Tối nào cũng vậy, ông buộc nó trong nhà. Tối hôm
vừa rồi, chị cùng với anh kỹ sư chăn nuôi đến vận động ông
đưa trâu ra ngoài chuồng. Cho tới lúc hai người ra về, con
trâu vẫn đứng nguyên chỗ cũ, trên vũng nước đái võng một
góc nhà.
- Anh muốn nhắc đến việc ông Sùng Tủa phải phông? -
Seo Mỉ khẽ hỏi.
- Đấy chỉ là một việc. Nếu đi sâu tìm hiểu, ta sẽ thấy còn
nhiều việc khác.
- Tất cả là do tập quán, nếp sống cũ.
- Ngoài trình độ, nếp suy nghĩ bị hạn chế, lại còn thực tế
đời sống trên miền núi chúng ta nữa. Nhân đây, tôi lại nhớ
đến câu chuyện Ké(1)Àng, người bản tôi, đã kể cho tôi nghe.
Đã từ bao đời nay, đồng bào Tày ở nhà sàn. Trước kia
trên sàn, người ở; dưới gầm sàn, lúc nhúc trâu, lợn, gà vịt. Ở
đấy, ngày này qua ngày khác ngập ngụa nước đái và phân.
Mùi hôi hám bốc lên suốt ngày đêm. Biết là khổ mà mọi
người vẫn phải sống quanh quẩn trên cái sàn lát bằng những
tấm giát vầu đã nhẵn bóng. Vì lúc nào con hổ đói, thằng kẻ
trộm cũng nhòm ngó đám gia súc kia. Đêm đến, thấy động,
chủ nhà phải giật khẩu súng kíp treo trên vách, bắn đuổi
ngay. Không mấy đêm không vang lên đây đó những phát
súng cắt ngang giấc ngủ đang ngon lành.
Hồi kháng chiến chống Pháp, một cơ quan nọ sơ tán đến
bản của Ké Àng. Thấy dân bản sống gian khổ, cán bộ cơ quan
phối hợp với cán bộ địa phương đến từng nhà vận động làm
chuồng trâu, chuồng lợn xa nhà. Ai nấy đều hưởng ứng.
Duy chỉ có Ké Àng là còn do dự. Bởi lẽ Ké có mấy bung
ruộng mà chỉ có mỗi một con nghé mới vực cầy. Nếu chẳng
may con hổ đói đến cõng nó hay thằng kẻ trộm dắt mất thì
tai họa cho Ké. Nhưng rồi Ké làm theo mọi người. Một đêm
kia, tiếng súng bắn đuổi bỗng nổ ran. Thì ra con nghé của Ké
vừa bị hổ bắt. Sáng sớm hôm sau, dân bản đổ đi các ngả, tìm.
___
(1) Tiếng Tày, nghĩa là ông già.
Tìm mãi mới thấy bộ lòng, cái đầu, bốn cái chân con nghé
cùng với lốt chân con thú dữ trong rừng sâu.
Lấy cái gì mà cầy mấy bung ruộng kia bây giờ? Ké Àng
mắt tối sập lại, lòng như xát muối. Giữa lúc Ké lo lắng, thì cơ
quan và dân bản gom góp mỗi người một ít, mua một con
nghé dắt đến cho Ké. Họ còn làm cho Ké cái chuồng chắc
chắn hơn cái trước. Ké xúc động rơi nước mắt. Từ đấy,
chuồng trại ở xa mà con trâu, con lợn vẫn béo khỏe...
Kể xong, Pảo trầm giọng:
- Chẳng phải người miền núi không hiểu ở lại như thế là
mất vệ sinh, dễ ốm đau mà chính là thực tế của đời sống bắt
buộc ta phải sống như vậy. Ngày trước, con hổ, con báo bắt
lợn thật ; kẻ trộm dắt trâu thật; thằng phỉ cướp ngựa thật.
Bây giờ cái đó không đáng lo nữa. Tuy vậy, cán bộ chúng ta
phải làm cho đồng bào tin tưởng bằng những sự việc cụ thể.
Khi đã tin tưởng rồi, đồng bào sẽ tự động làm.
Seo Mỉ im lặng. Ý kiến của anh kỹ sư vừa gợi cho chị
nhiều việc phải làm. Có những việc có thể làm ngay. Có
những việc phải đợi tuần trăng sau, mùa lúa sau mới làm
được. Song, sớm hay muộn, đều phải làm cả. Bản Mèo tăm
tối bao nhiêu đời nay rồi. Bây giờ ông trăng đã thắp sáng,
ông mặt trời đã thức dậy. Bản Lù Chải cũng như các bản
làng khác, phải sáng ánh trăng, ánh mặt trời... Còn đang suy
nghĩ miên man, Seo Mỉ đã đi đến nhà ông Chín Sàng.
Bác trưởng trại Giàng Vần đến đây đã được một lúc.
Ông Chín Sàng với bác đang uống nước, hút thuốc. Seo Mỉ
nhìn quanh. Quang cảnh trong nhà, lúc bóng tối đã đỏ lửa
bếp, vẫn như những lần chị đã đến đây. Con ngựa màu nâu
buộc ở gian bên này; gian bên kia đặt chiếc chuồng gà. Đàn
gà con đang kêu chiêm chiếp. Con ngựa vừa cất tiếng hí khe
khẽ. Tiếng động mơ hồ tựa như từ một đỉnh núi cao, một
dòng suối sâu vọng về. Nghe xa lắc và buồn tẻ.
- Ông vẫn buộc ngựa, nhốt gà trong nhà à? Cháu nói với
ông rồi mà. Ông cứ để ngựa ngoài tàu, gà ngoài chuồng,
không sao đâu. - Seo Mỉ nói, giọng không được vui như
mọi lần.
Ông Chín Sàng ra vẻ lúng túng. Ông thoáng nhìn con
ngựa, đoạn quay mặt đi:
- Tôi chỉ có một con ngựa... Không có ngựa, không đi lấy
củi, đi chợ được. Khó thế, chị chủ nhiệm à.
Ông Chín Sàng tỏ ý vẫn sợ phỉ. Seo Mỉ nghiêm trang nói:
- Dân quân canh phòng suốt đêm. Công an võ trang
thỉnh thoảng lại tuần tra quanh đây. Thằng phỉ không dám
mò vào bản, dắt trộm ngựa đâu.
- Ờ, thằng phỉ biết sợ công an, dân quân rồi, nhưng mà
còn con hổ. Nó mà đói, người nó còn dám bắt đấy.
- Ban đêm mà có người qua lại, hổ cũng không dám về.
Ông biết đấy, đã lâu lắm, ở xã ta có con ngựa, con lợn nào bị
hổ bắt đâu.
Ông Chín Sàng lặng im. Đúng như chị chủ nhiệm nói,
con hổ cũng biết sợ người rồi. Vậy mà ông vẫn phấp phỏng.
Cái bóng ma quái của thằng phỉ, con hổ ngự trị từ thuở nào,
đến giờ vẫn lởn vởn trong đầu óc ông.
- Tôi phải đi lấy gỗ làm lại cái tàu, cho thật khỏe, ban
đêm mới để con ngựa ngoài ấy được. - Ông Chín Sàng ậm ừ.
Seo Mỉ nhắc lại:
- Còn cái chuồng gà kia nữa, ông đừng để nó trong nhà.
- Phải làm lại cái chuồng đã. Con cáo còn nhiều đấy.
Chuồng không tốt, nó chui vào cắn cổ con gà lôi đi ngay. -
Chừng như để Seo Mỉ yên tâm, ông Chín Sàng ngay thật nói
- Ban đêm, để con ngựa, con gà trong nhà quen rồi, không
sao đâu chị chủ nhiệm à?
Seo Mỉ nén tiếng thở dài, lặng thinh. Biết ý, anh kỹ sư
chăn nuôi liền xen vào:
- Chị chủ nhiệm nói thế là đúng, ta nên làm theo, ông
Chín Sàng à! Để con trâu, con ngựa trong nhà không những
mất vệ sinh mà còn nguy hiểm nữa. Trong phân trâu, phân
ngựa có vi trùng uốn ván. Nếu chân ai có mụn hay bị xước
mà giẫm phải chỗ ấy, người đó có thể mắc bệnh uốn ván
rồi chết.
Ông Chín Sàng ngơ ngác:
- Tôi có thấy ai chết như thế đâu.
- Có đấy. Có nhiều người chết vì bệnh ấy rồi mà ta
không biết đấy thôi.
- Thật à? - Ông Chín Sàng trầm ngâm giây lát, đoạn nói -
Tôi phải làm lại chuồng ngay thôi.
- Ông nghĩ thế là đúng rồi. Bây giờ trật tự an ninh trong
bản làng đã được bảo vệ, đêm đến, ta không cần phải để gia
súc ở trong nhà nữa.
Bây giờ bác Giàng Vần mới lên tiếng:
- Con lợn của ông đâu rồi?
- Dà! Mua phải giống xấu, nuôi mãi nó vẫn không to
được, tôi bán cho người ta giết thịt rồi. Hôm nào phiên chợ
Pha Long, tôi phải mua con giống khác về nuôi.
- Ông đừng mua lợn ở chợ nữa, để trại mua trên huyện
giúp cho. Bây giờ ta nên nuôi lợn giống Mường Khương
thuần chủng. Ăn khỏe, chóng lớn, tốt lắm. Trại cũng có nuôi
một đàn lợn nái giống ấy. Bao giờ nó đẻ nhiều, xã viên cứ ra
trại của hợp tác xã mua con giống về nuôi.
Ông Chín Sàng nhìn bác Giàng Vần, vẻ phân vân:
- Tôi không quen nuôi lợn lạ. Nuôi con lợn ông nói có
khó không?
- Dễ thôi. Tôi sẽ bảo cách cho ông nuôi theo khoa học kỹ
thuật, - bác Giàng Vần nói vui, - nhưng bao giờ giết lợn, ông
phải mời tôi đến uống nước trắng, ăn lòng sấy đấy.
- Được... thôi. - Ông Chín Sàng kéo dài giọng, nụ cười
hiếm hoi nở trên môi. Nuôi được con lợn ăn khỏe, chóng lớn
thì vui trong bụng rồi.
Pảo ngắm con ngựa đang ngủ đứng, cái đuôi khẽ động
đậy. Rồi hỏi ông chủ nhà:
- Con ngựa này tốt không, ông à?
- Tốt đấy. Thồ khỏe, chạy dai sức... Nhiều người muốn
đem bạc trắng đổi lấy nó mà tôi không nhận. Có được con
ngựa hay không dễ đâu, anh kỹ sư à.
- Ở miền núi ta, con ngựa cần thiết cho việc giao thông,
vận chuyển. Nay mai, khắp các nơi trên miền núi đều có
đường rộng cho ô tô, xe máy hoạt động nhưng con ngựa vẫn
có tác dụng vì vẫn còn những nơi hẻo lánh, ô tô, xe máy
không thể đến được. Cho nên trong việc chăn nuôi ở gia
đình, ngoài con trâu, con lợn, con gà, ta phải chú trọng đến
con ngựa. Cũng như giống lợn bác Giàng Vần vừa nói, ta cần
có giống ngựa tốt. Đất miền núi là đất nuôi ngựa. Biết cách
nuôi, nó đem lại cho ta nhiều... bạc trắng như ông vừa
nói đấy.
- Giống ngựa ở miền núi ta tốt đấy chứ?
Pảo lại liếc nhìn con ngựa:
- Chưa được tốt đâu. Giống ngựa của ta nhỏ, yếu, sức
chuyên chở không được bao nhiêu. Ta cần tuyển chọn những
giống ngựa to, khỏe, dai sức, sinh sản tốt mà nuôi mới có
nhiều lợi.
Từ nãy tới giờ Seo Mỉ vẫn ngồi im. Chị đang nghĩ về
hợp tác xã của bản Mèo. Phong tục và tập quán, lối sống và
suy nghĩ già nua như những đỉnh núi phủ mây mù. Có
những người đang đứng trên các tảng đá rêu mốc, chưa biết
đi ngả nào. Ông Chín Sàng và một số người nữa. Họ ngơ
ngác trước nẻo đường xuyên qua vách núi vừa được mở ra
cho họ.
- Khó đấy. Cái chăn nuôi... khoa học kỹ thuật khó đấy. -
Ông Chín Sàng lẩm bẩm một mình.
- Ông Chín Sàng à! - Seo Mỉ chậm rãi nói - Việc chăn
nuôi trong gia đình là một phần thu hoạch quan trọng của xã
viên. Nhưng phải thay đổi con giống, áp dụng khoa học kỹ
thuật mới có kết quả tốt. Việc này cũng như mọi việc của
hợp tác xã, đã có cán bộ hướng dẫn, ông không lo.
Bác Giàng Vần hút vội điếu thuốc. Rồi vừa nhả khói vừa
hào hứng nói:
- Trại chăn nuôi của hợp tác xã ta sắp nuôi cá nữa đấy,
ông Chín Sàng à.
- Trên núi cao mà cũng nuôi cá được à? Thế thì ông
trưởng trại giỏi tay đấy...
- Có thể nuôi được. - Bác Giàng Vần dè dặt đáp. - Một
mình tôi có giỏi cũng không làm nổi. Phải có tập thể mới làm
được, ông Chín Sàng à. Ây dà! Ở trên núi mà có cá tươi ăn,
tốt đấy.
Anh kỹ sư tiếp lời ông trưởng trại:
- Khắc đi khắc đến. Ta quyết tâm làm, nhất định có cá
ăn. Bữa ăn của ta thỉnh thoảng phải có tôm cá tươi mới đầy
đủ chất bổ. Mà đợi nhà máy có đủ tôm cá đóng hộp,
phân phối cho khắp miền núi thì còn lâu. Ta phải tự lực cánh
sinh thôi.
Seo Mỉ trở lại câu chuyện vừa bị cắt ngang:
- Ông Chín Sàng à! Gần đây ông có đến chơi nhà anh
Sùng Chí không?
- Cũng đã lâu rồi, tôi chưa đến nhà anh ấy.
- Anh Sùng Chí tổ chức lại chăn nuôi trong gia đình rồi.
Anh ấy mới thật giỏi tay. Lúc nào rỗi, ông nên đến
tham quan.
Ông Chín Sàng gật gù:
- Thật à! Thế thì tôi phải đến... tham quan. Đầu người
già như cái thớt cối, xay mãi mòn rồi, không còn được tốt
như đầu người trẻ.
Việc tổ chức lại chăn nuôi ở gia đình ông Chín Sàng mới
làm được ở mức ấy. Nhưng ông đã thổ lộ điều mà có những
người không nghĩ tới hoặc không muốn nói ra. Thớt cối đã
mòn. Có thấy như thế mới nghĩ đến việc đục lại rãnh cối.
Yên tâm, Seo Mỉ rủ mọi người cùng về. Ra đến đường, mỗi
người đi một nơi. Nhớ lời hẹn, Seo Mỉ đến nhà bà Mí Cháng.
Mới đặt chân lên thềm hè, Seo Mỉ đã nghe thấy tiếng nói
trong nhà, giọng nhẹ nhàng:
- Ông được ăn mèn mén nhiều rồi, sao ông còn chưa biết
ai tốt, ai xấu? Người nào muốn ông bỏ bản, bỏ hợp tác xã đi
ở một chỗ, làm nương riêng như trước, bụng nó không
tốt đâu...
Tiếng bà Mí Cháng. Seo Mỉ đẩy cửa bước vào. Hai ông
bà ngồi bên bếp. Ông ngồi im, một bên mặt chập chờn ánh
lửa, bên kia chìm vào bóng tối. Ánh sáng và bóng tối đang
giành giật khuôn mặt ông. Tâm trí ông lúc này cũng vậy, cái
tốt, cái xấu chen nhau, len vào. Gương mặt bà cũng khác mọi
lúc. Cái vẻ nín nhịn, sợ sệt thường ngày đã thay thế bằng vẻ
bình tĩnh và tự tin. Hai ông bà đang nói chuyện. Qua câu nói
bất chợt nghe lúc đi vào, Seo Mỉ biết họ bàn chuyện ấy.
Chuyện về hạnh phúc hay bất hạnh trong gia đình.
Seo Mỉ ngồi xuống cạnh bà Mí Cháng. Một phút im lặng
trôi qua trong căn nhà. Rồi Seo Mỉ nói, không phải cân
nhắc nữa:
- Ông đã quay về, cháu khuyên ông nên ở nhà với bà, đi
làm với các xã viên. Đất này tốt nhất rồi. Ông có đi chín núi
tám khe cũng không tìm được đất nào tốt hơn đâu. Cháu nói
thật đấy.
Bà Mí Cháng tiếp lời Seo Mỉ:
- Tôi cũng đã nói với ông ấy, con chim phải có bạn, con
bướm phải có đôi, sống lẻ loi như người Mèo ta ngày xưa,
khổ lắm. Tôi nói nhiều lời tốt rồi mà bụng ông ấy vẫn còn
tối quá...
Bỗng nhiên ông Mí Cháng ấp bàn tay vào ngực, giọng
run run:
- Tôi là người Mèo mà. Không có cái ma, người Mèo
không sống được đâu.
Dường như sự nhẫn nhục của bà Mí Cháng đã đến cùng
độ. Trong giây phút đột ngột, nó biến thành cơn nóng giận
không kiềm chế nổi. Bà rít giọng, nói một thôi:
- Ông muốn làm mú cống à? Bây giờ chỉ có bọn mú cống
mới nói thế. Không có mèn mén, không có muối, người Mèo
mới chết. Không có "cái ma", người Mèo vẫn sống. Lão
mú cống ở bản này sống bằng "cái ma" hay bằng mèn mén?
Dạo này dân bản không cho nó uống rượu, ăn thịt gà nữa, nó
sắp chết đói rồi, ông còn chưa biết à? Mấy hôm nay nó đến
chỗ ông phát nương để làm gì? Nó đi tìm "cái ma" hay đi tìm
mèn mén? Chân nó đi đường này, tay nó chỉ lối khác. Dân
bản biết bụng nó lành hay ác rồi, không ai tin nó nữa đâu.
Ông đừng có nghe nó.
Ông Mí Cháng lặng ngắt. Lần đầu tiên, từ khi ăn ở với
nhau, ông nín nhịn người vợ chỉ biết phục tùng. Mỗi câu nói
đó là một ánh chớp trong đêm tối, sáng lóe lên trong đầu óc
ông. Hình ảnh lão thầy cúng thình lình hiện ra trước mặt
ông. Lão ta nẵm chỗ kia, co quắp bên bếp lửa. Hai cánh tay
gầy guộc kẹp lấy cái đầu tóc bù xù. Hai đầu gối xương xẩu
gập lại, co rút lên lồng ngực lép kẹp. Lão ta nằm yên không
động đậy. Y như lúc lão ta nằm trong túp lều chơ vơ. Trông
thảm hại quá... Uy thế lão thầy cúng, "cái ma" khiến ông ghê
sợ bấy lâu nay, đang lung lay. Sợi dây vô hình thít chặt vào
người ông đã nới ra. Vả chăng, những ngày vừa qua, sống
trơ trọi bên mảnh nương chìm trong mây mù, không khỏi
làm cho ông buồn, tủi. Ông lặng thinh, nét mặt đăm chiêu.
Seo Mỉ cũng im lặng. Chị thấy không cần nói gì thêm
với ông Mí Cháng. Ông ta đã quay trở về. Ông ta sẽ ở lại bản
Mèo. Chị tin thế. Chị ra về trong lúc ông ta vẫn ngồi im,
gương mặt nửa sáng nửa tối. Bà Mí Cháng có vẻ hối hận vì
đã nặng lời với chồng. Bà cầm lấy tay guồng toan quay chợt
tần ngần dừng lại.
Seo Mỉ về đến nhà lúc sương đã nặng hạt. Tiếng giọt
sương rơi lộp độp xuống tàu lá, nhắc nhở bóng đêm đã đẫm
sương. Hình như tối đã lâu, lâu lắm rồi. Căn nhà tĩnh lặng
đến lạnh lẽo. Chỉ có tiếng thớt cối xay quay đều đều. Rù rù,
rù rù...
Dưới ánh ngọn đèn tù mù để ở góc nhà, bóng bà
Thào Xóa chuyển động trên bức tường đất. Seo Mỉ đi được
một lúc, bà đi xay ngô. Xay cặm cụi cho đến bây giờ. Cối
nặng. Bà đã già. Hôm nay bà lại không được khỏe. Hai bàn
tay khô gầy bám vào cái tràng cối, nom đã run rẩy. Mỗi lần
đẩy thớt cối, toàn thân bà xô về phía trước. Khi kéo thớt cối,
người bà lại ngả ra phía sau. Cứ như thế, nhịp theo tiếng hai
thớt cối cà vào nhau không ngừng nghỉ. Bà biết mệt rồi. Mồ
hôi trên mặt đã ròng xuống cái cổ ngẳng, nổi gân xanh.
Bà Thào Xóa khom lưng bên cái cối xay ngô, chỗ mù mờ
bóng tối kia từ dạo con gái bà chết. Khi Seo Mỉ đã lớn, chị
được ra tỉnh học, rồi về lao động cho hợp tác xã. Cho nên bà
vẫn phải đứng ở góc tối kia, âm thầm làm việc ấy cho đến
bây giờ. Hầu như ngày nào bà cũng phải xay ngô. Sáng sớm,
xay để có mèn mén ăn bữa tối. Tối một lúc, lại phải xay để
Ti¬u thuy!t Ti¬u thuy!t 981
sáng sớm hôm sau có mèn mén ăn. Xay ngày nào, ăn ngày ấy
để bột ngô khỏi hả, ăn mất ngon. Từ đời ông cha đã làm như
thế, giờ đây con cháu cứ như thế mà làm. Ngày ngày, vào lúc
gà gáy giục sáng và tối đến, khi sương đã thấm ướt mái cỏ,
tiếng cối xay ngô lại vẳng lên ở khắp các nhà người Mèo. Rù
rù, rù rù...
Hai bàn tay khô gầy của bà Thào Xóa phải bám vào cái
tràng cối kia đến tận bao giờ? Đến khi nào bà già yếu quá
không làm nổi việc này nữa. Hoặc khi nào Seo Mỉ cũng đã có
tuổi, không còn sức làm các việc khác. Thật đáng buồn cho
bà Thào Xóa! Không, bà không thấy buồn. Bà cũng chẳng
oán trách số phận mình. Vì bà thấy từ xưa tới nay, tất cả các
bà già người Mèo đều như thế. Khi sức đã ngã, không vỡ
ruộng phát nương, trồng cây lúa, cây ngô được nữa, các bà
đành phải quanh quẩn trong nhà. Ở nhà, phải xay ngô, đậu
tương đỡ con cháu đang lặn lội ngoài ruộng dưới nương,
trong rừng. Nương gần, sáng đi, sẩm tối họ về. Nương xa,
dăm bảy ngày có khi trọn một tuần trăng họ mới trở lại nhà.
Người già phải chia sẻ nỗi vất vả với người trẻ. Họ đứng
đấy, bên cái cối quay không ngừng nghỉ.
Seo Mỉ lặng nhìn bà ngoại. Bà đang làm một việc quen
thuộc. Quen thuộc đến mức gần như chị không phải quan
tâm. Nhà người Mèo nào, người già không phải xay ngô?
Vào lúc này, nhà người Mèo nào chẳng có tiếng cối xay?
Bình thường quá! Nhưng không hiểu sao chị lại đăm đăm
nhìn bà. Có lẽ nét mặt, dáng điệu bà khiến chị chú ý. Hình
như bà mệt lắm rồi. Cái bóng in trên bức tường đất cứ ngả
nghiêng tựa hồ muốn rụi xuống. Seo Mỉ đứng bật dậy:
- Bà để cháu xay nốt cho!
- Xong rồi đây! Xong rồi đây! - Bà Thào Xóa vội nói, rồi
hạ giọng - Cháu đi làm cả ngày, mệt rồi đấy.
Quả thật, mẻ ngô sắp xay xong. Tiếng cối nghe gừ gừ.
Cái thớt trên như thể kênh lên. Bà Thào Xóa quay vài vòng
nữa rồi dừng lại. Đúng là bà mệt lả. Lẩy bẩy bà ngồi thụp
xuống đất. Seo Mỉ chạy lại, dìu bà đến bên giường. Nước
mặt chị ứa ra.
Seo Mỉ hết nhìn bà lại nhìn cái cối xay. Đã nhiều lần xay
đỡ bà, chị biết xay đậu tương đã nặng, xay ngô còn nặng
hơn. Xay xong, tay mỏi, mắt hoa, máu dồn xuống hai bắp
chân. Vậy mà việc đó lại dành cho người già... Làm cách nào
để giải phóng được người phụ nữa Mèo khỏi cái việc khó
nhọc, buồn tẻ ấy? Đột nhiên câu hỏi đó xoáy vào trí óc Seo
Mỉ. Phải có máy thay cho sức người! Chị sực nhớ ra đến cái
máy xay xát của nhiều hợp tác xã nông nghiệp ở miền xuôi.
Xã viên quảy gánh thóc ra chỗ đặt máy, một lúc sau đã có
thúng gạo đem về. Vừa nhanh chóng vừa nhàn nhã. Nếu
như hợp tác xã Lù Chải có một cái máy nghiền ngô hạt thành
bột? Ý nghĩ đó khiến chị nao nức vui. Nhưng rồi niềm vui
biến đi. Muốn cho máy chạy, phải có điện. Lấy điện ở đâu
ra? Trên miền núi, một số nơi đã dùng máy phát điện nhỏ,
chạy bằng sức nước. Ở bản này, suối xa, sức nước yếu,
không dùng máy đó được. Thế thì người phụ nữ Mèo vẫn
phải đứng chỗ tối mờ mờ kia, làm cái việc âm thầm nọ mãi
hay sao? Nỗi buồn thay thế niềm vui ngắn ngủi, choán lấy
Seo Mỉ.
Seo Mỉ đã bình tĩnh lại. Đưa nước về bản không dễ. Vậy
mà nước đã về bản. Đưa điện về bản cũng khó. Dù thế, điện
vẫn có thể về bản được. Điều quan trọng là ở chỗ dám nghĩ
dám làm. Seo Mỉ đang nghĩ đến việc đó. Việc giải phóng
người phụ nữ ở bản Mèo khỏi cái cối đã xay mòn sức lực và
tâm trí họ từ bao đời nay.
(còn tiếp)
Nguồn: Seo Mỉ, Di cảo của cố nhà văn Đỗ Quang Tiến, cuối tập bản thảo có ghi: “Hoàng Liên Sơn, mùa hè 1978”. Hơn hai chục năm sau khi nhà văn qua đời, các con ông mới tìm thấy bản thảo này. Seo Mỉ - 449 trang in khổ 14.5 x 20.5 cm- lần đầu tiên được in thành sách trong bộ Đỗ Quang Tiến – Tác phẩm chọn lọc, 1250 trang, khổ 14.5 x 20.5 cm. NXB Văn học, 2017.
Nhà báo Đỗ Quang Hạnh, con trai nhà văn, gửi www.trieuxuan.info
|